Cuộc gặp gỡ với tổ chức Restorative Practice Singapore, là lần kết nối đầu tiên của Linh, cũng như Lớp học Vòng tròn với một tổ chức chuyên nghiệp cùng chung sứ mệnh đưa những Thực hành Phục hồi vào trong các không gian trường học.

Trước khi đến thăm tổ chức, mình đã cảm nhận được sự chào đón nồng nhiệt của cô Gomathi qua những email trao đổi và tin nhắn chào mừng khi mình đặt chân tới đất nước Singapore. Sự ấm áp nối tiếp khi bước vào văn phòng được chăm chút với sự chào đón của các thành viên của tổ chức. Hơn cả một buổi gặp gỡ trao đổi thông tin, những chia sẻ của mình đã được các cô chú, anh chị lắng nghe chú tâm. Mình vẫn còn nhớ sự xúc động khi được kể về hành trình cá nhân và động lực khiến mình và các bạn đang dấn thân trên hành trình lan toả Phương pháp Sư phạm Vòng tròn (Circle Pedagogy) vào trong các không gian giáo dục tại Việt Nam. Ở thời điểm mà mọi thứ còn đang rất mới mẻ và nhiều băn khoăn với mình, sự đồng cảm của cô khi chia sẻ về những bước đầu tiên của bản thân là nguồn động viên cũng như truyền cảm hứng cho mình rất nhiều. 

Hoạt động từ năm 2016 tại Singapore và trong khu vực Đông Nam Á, tổ chức hướng tới chia sẻ các ứng dụng của Công lý Phục hồi (Restorative Justice) để xây dựng kết nối và giải quyết các xung đột trong trường học. Sự ủng hộ của Chính phủ Singapore trong việc phổ biến lý thuyết này được thảo luận và đưa vào trong chính sách là điều kiện thuận lợi để cô và các đồng nghiệp vững vàng hơn trên hành trình. Chương trình tập huấn hướng tới đào tạo năng lực điều phối sinh hoạt Vòng tròn theo mục đích cụ thể dành cho đội ngũ giáo viên, cán bộ nhà trường, nhân viên xã hội trường học và cả các bạn học sinh trung học. Tuỳ vào nhu cầu của từng nhóm mà chương trình được xây dựng mục tiêu và cấu trúc tổ chức là Vòng tròn Kết nối (Relational Circle) hay Vòng tròn Phục hồi (Restorative Circle). Để hỗ trợ các hoạt động được đa dạng và có tính gợi mở, các hoạt động sử dụng thực hành nghệ thuật, thẻ bài hỗ trợ cảm xúc được chọn lọc sử dụng, cũng như thiết kế riêng dành cho từng nhóm tuổi, giới tính đa dạng. Chú gấu bông được thiết kế riêng dùng cho các buổi tập huấn về nhận diện cảm xúc dành cho trẻ. Bộ câu hỏi “Little talk” mở ra những chia sẻ giản đơn hay sâu hơn là những cảm xúc thách thức dựa trên bối cảnh về bản thân, kết nối với người khác và xã hội. Tập thẻ cảm xúc được cô và một người bạn hoạ sĩ phát triển dành riêng cho những người thuộc có bản dạng giới là nữ. Những thực hành và tri thức đã được tích luỹ dựa vào một quá trình học tập và thử nghiệm qua nhiều năm của mỗi cá nhân và của cả tổ chức. Chuyến hành trình thăm tổ chức tại một đất nước láng giềng đã đem đến những gợi mở quan trọng và tiếp sức cho mình cũng như các thành viên trong Dự án tiếp tục thúc đẩy tinh thần về một môi trường học hoà nhập và bình đẳng với tất cả các thành viên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *